Bệnh giun đũa gà do Ascaridia galli

Có thể nói nhiễm giun sán là một trong những bệnh phổ biến ở gà. Nhiễm giun sán làm cho gà bị gầy yếu, xù lông, da tái nhợt và luôn trong tình trạng ủ rũ, biếng ăn gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đàn gà và giảm hiệu quả kinh tế. Trong các bệnh giun sán kí sinh trên gia cầm thì bệnh giun đũa gà là một bệnh giun tròn kí sinh trong đường tiêu hóa phổ biến trên gà gây nhiều thiệt hại về kinh tế.

Bệnh giun đũa ở gà

Nội dung chính

1. Căn bệnh, hình thái của giun đũa gà – Ascaridia galli.

1.1 Căn bệnh

  • Theo một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy tỷ lệ nhiễm giun đũa ở gà từ 18-37%.
  • Bệnh giun đũa gà do Ascaridia galli gây ra.
  • Vật chủ chính: gà, gà tây, gà rừng, ngỗng,….
  • Vật chủ bổ sung: Giun đất
  • Vị trí kí sinh: Giun kí sinh ở ruột non của gia cầm, đôi khi kí sinh ở ông dẫn mật.
  • Gà trên 3 tháng tuổi tỷ lệ nhiễm giun đũa gà ít hơn so với gà dưới 3 tháng tuổi. Gà chăn thả như gà thả vườn hay nuôi trên nền trấu như cách chăn nuôi ở nước ta rất dễ nhiễm giun đũa gà.

1.2 Hình thái

  • Giun đũa gà Ascaridia galli có màu trắng hay vàng nhạt, đầu thon nhỏ, miệng có 3 đôi môi xếp cân đối, mỗi môi có 3 thùy, môi lưng to hơn hai môi kia, trên môi có răng.
  • Đuôi có cánh và 10 đôi gai núm gai thịt, phía trước huyệt có giác cơ.
  • Hai gai giao cấu đều nhau, dài 1 – 2,5mm.
  • Giun đũa cái dài 65 – 90mm, thực quản dài 2,1 – 2,6mm, vòng thần kinh cách mút đầu 0,7 – 0,82mm. Lỗ bài tiết nằm sau vòng thần kinh. Lỗ sinh dục cái ở phần trước thân, cách mút đầu khoảng 34 – 42mm. Trứng hình ovan, kích thước 0,07 – 0,086 × 0,047 – 0,051mm. Con cái trưởng thành đẻ 50.000 – 72.000 trứng mỗi ngày.
  • Giun đũa đực dài 40 – 70mm. Thực quản dài 2,3 – 5mm. Vòng thần kinh cách mút đầu 0,68 – 0,76mm, lỗ bài tiết cách mút đầu 0,8 – 0,9mm. Đuôi con đực thường cong lên để cuốn vào thân con cái chỗ có lỗ sinh dục khi giao hợp, lỗ hậu môn con đực cũng chính là chỗ phóng tinh. Gai sinh dục dài bằng nhau, dài từ 1,0 – 1,6mm.
Hình thái giun đũa gà

2. Vòng đời của giun đũa gà – Ascaridia galli.

Vòng đời: Giun đũa gà phát triển trực tiếp và chu kỳ gồm 2 giai đoạn

2.1 Giai đoạn bên ngoài.

  • Giun cái đẻ trứng ở ruột non, một ngày giun cái đẻ khoảng 50.000 – 72.000 trứng.
  • Trứng theo phân ra môi trường bên ngoài, nếu gặp điều kiện thích hợp (nhiệt độ, ẩm độ,…) sau 15 – 20 ngày trong trứng hình thành ấu trùng gây nhiễm – ấu trùng A3 ở môi trường ngoại cảnh.
  • Trứng giun gây nhiễm nếu được giun đất nuốt phải, ấu trùng gây nhiễm thoát vỏ và tồn tại trong niêm mạc ruột của giun đất. Nếu được gà nuốt phải, ấu trùng giun sẽ phát triển thành dạng trưởng thành.

2.2 Giai đoạn bên trong.

  • Bắt đầu từ lúc nuốt phải trứng cảm nhiễm, sự nở của ấu trùng bắt đầu từ lúc nghiền cơ giới trong dạ dày cơ, nhưng chỉ hoàn thành sau khi có tác dụng của dịch tiêu hóa.
  • Ấu trùng chui ra khỏi trứng ở trong ruột non của gà. Ấu trùng gây nhiễm sống ở xoang ruột, 8 ngày sau nó chui vào dưới niêm mạc và ở đó không dưới 10 ngày.
  • Sau đó, ấu trùng chui vào ruột và biến thái thành giun trưởng thành.
  • Thời gian để ấu trùng phát triển thành dạng giun trưởng thành kể từ khi xâm nhập vào gà là 28 – 56 ngày.
Vòng đời phát triển của giun đũa gà Ascaridia galli

3. Triệu chứng và bệnh tích của bệnh giun đũa gà.

3.1 Triệu chứng.

  • Gà trưởng thành nhiễm giun đũa thường ở thể nhẹ, thường không rõ triệu chứng, chỉ gây giảm tăng trọng và giảm sản lượng trứng ở gà đẻ.
  • Gà 1 – 3 tháng tuổi có thể nhiễm ở thể nặng, có các triệu chứng sau
    • Gà gầy, còi cọc, xù lông, tiêu chảy phân loãng, phân lẫn máu, phân sống do niêm mạc ruột bị tổn thương.
    • Gà có các biểu hiện thiếu máu, da nhợt nhạt, mào, tích nhợt nhạt.
    • Trong trường hợp nhiễm giun nặng, gà có thể chết do giun làm tắc ruột, vỡ ruột hay tắc ống mật.

3.2 Bệnh tích.

  • Thành ruột dày lên do tăng sinh, nhu động ruột giảm.
  • Ruột viêm, sung huyết, xuất huyết do giun bám vào hút chất dinh dưỡng.
  • Trong lòng ruột chứa giun kí sinh, số lượng phụ thuộc vào mức độ nhiễm.
Giun trong lòng ruột

4. Phòng chống và điều trị bệnh giun đũa trên gà.

4.1 Phòng bệnh.

  • Việc vệ sinh cho đàn gà là quan trọng nhất, đặc biệt là vệ sinh nguồn thức ăn, nước uống bởi ấu trùng giun đũa có thể lây lan qua nguồn thức ăn, nước uống.
  • Bên cạnh đó, việc vệ sinh các dụng cụ cho gà ăn cũng cần cẩn trọng để tránh việc phân gà có chứa ấu trùng giun đũa có lẫn trong các dụng cụ.
  • Ủ chất độn chuồng với men rắc chuồng BCA plus để khử mùi, ức chế sự phát triển của ấu trùng, vi khuẩn gây bệnh.
  • Định kì phun thuốc sát trùng
  • Tẩy giun định kì cho gà:
    1. Gà 4 – 6 tuần tuổi: Trộn thức ăn hoặc pha nước có thành phần Levamisol. Liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
    2. Gà trên 6 tuần: Trộn thức ăn hoặc pha nước uống có thành phần Levamisol. Liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lặp lại sau 1 – 2 tháng tùy theo mức dịch tễ và mức độ nhiễm giun.
    3. Sử dụng men vi sinh, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch. Sử dụng thêm giải độc gan thận để hỗ trợ cho con vật.
Sát trùng chuồng nuôi

4.2 Điều trị.

  • Khi phát hiện gà có triệu chứng cần cách ly ngay để tránh lây nhiễm sang con khỏe. Thay thế toàn bộ chất độn chuồng.
  • Rắc, ủ men với chất độn chuồng để khử mùi hôi, kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh.
  • Dùng một trong các loại thuốc sau:
    1. Tẩy giun bằng Levamisol bằng cách trộn vào thức ăn theo liều của nhà sản xuất.
    2. Albendazole, Menbendazole có hiệu quả đối với giun đũa gà.
    3. Fenbendazole: Cho uống, hiệu quả tẩy giun rất cao 99-100%.
    4. Bổ sung men vi sinh, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch. Sử dụng thêm giải độc gan thận để hỗ trợ cho con vật.

CÔNG TY DƯỢC THÚ Y ANICARE

Có thể bạn quan tâm