Bệnh dịch tả lợn cổ điển (Classical swine fever) là một trong 4 bệnh đỏ trên lợn mà người chăn nuôi luôn quan tâm đặc biệt. Đây là một bệnh rất nguy hiểm do virus gây ra, bệnh xảy ra trên mọi giống lợn và mọi lứa tuổi của lợn. Mặc dù bệnh đã có vaccine từ lâu nhưng nó vẫn thường xuyên bùng phát, với tỷ lệ chết có thể lên tới 100% gây ra những thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho người chăn nuôi.
Nội dung chính
1. Căn bệnh, dịch tễ bệnh dịch tả lợn (CSF).
1.1 Căn bệnh
- Bệnh Dịch tả lợn cổ điển (CSF) do 1 loại virus ARN gây ra, chúng có 1 kháng nguyên duy nhất.
- Virus gây bệnh Dịch tả lợn (CSF) thuộc giống Pestivirus, thuộc họ Flavoviridae.
- Virus có sức đề kháng không cao với điều kiện ngoại cảnh, dễ dàng bị bất hoạt do tác động của nhiệt độ. Virus có thể tồn tại trong phân chuồng ở 37°C trong 2 ngày và bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60°C trong vòng 1 giờ.
- NaOH 2%, nước vôi và acid phenic diệt virus sau 15 phút.
- Trong thịt lợn bệnh và sản phẩm của nó, virus có thể duy trì hoạt tính của nó trong vài tháng, đây là nguồn lây nhiễm quan trọng.
- Virus được bài thải qua phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch,…
1.2 Dịch tễ.
- Trong tự nhiên mọi giống lợn, mọi lứa tuổi đều mắc bệnh.
- Lợn mẹ có thể truyền bệnh cho lợn con qua nhau thai (truyền dọc).
- Bệnh lây lan rất nhanh, tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ chết cao có thể lên tới 100%.
- Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh thường tập trung vào vụ đông – xuân.
2. Triệu chứng bệnh dịch tả lợn (CSF).
2.1 Thể quá cấp tính
- Thường gặp ở đầu ổ dịch, con vật ủ rũ cao độ, sốt kịch liệt.
- Chết nhanh khi chưa xuất hiện triệu chứng, bệnh tích đặc trưng.
2.2 Thể cấp tính
- Đây là thể rất thường gặp, thời gian nung bệnh từ 2 – 4 ngày.
- Con vật có biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ, kém ăn hoặc không ăn, kém hoạt động.
- Con vật có triệu chứng sốt cao, kéo dài 3 – 5 ngày.
- Do virus tác động đến bộ máy tiêu hóa nên con vật có biểu hiện nôn mửa.
- Trong thời gian sốt con vật đi táo, khi thân nhiệt hạ con vật tiêu chảy nặng: phân loãng, nhiều nước, thối khắm, có khi lẫn máu và có các mảng thượng bì niêm mạc đường tiêu hóa bong tróc ra.
- Do virus tác động đến bộ máy hô hấp nên con vật có các biểu hiện:
- Viêm niêm mạc mũi, chảy nước mũi, nước mũi lúc đầu trong, loãng về sau đục và đặc dần có khi đóng lại ở khóe mũi làm cho vành mũi nứt nẻ.
- Con vật có triệu chứng ho, lúc đầu ho ít, ho khan về sau ho nhiều và ho ướt.
- Virus tác động đến hệ thần kinh làm cho con vật có các triệu chứng thần kinh: đi đứng xiêu vẹo, loạng choạng, liệt 2 chân sau hoặc nửa thân sau.
- Có triệu chứng viêm kết mạc và viêm giác mạc mắt, chảy nước mắt (lúc đầu trong, loãng về sau đục và đặc dần).
- Lợn chết trong vòng 1 tuần sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.

2.3 Thể mạn tính
- Khi con vật bị bệnh ở thể mạn tính, bệnh có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.
- Bệnh ở thể mạn tính thường do các chủng virus có độc lực trung bình hoặc độc lực yếu gây ra.
- Bệnh cũng có thể do con vật bị thể cấp tính chuyển sang.
- Con vật gầy gò, tiêu chảy liên miên. Viêm niêm mạc mắt, niêm mạc mũi.
3. Bệnh tích bệnh dịch tả lợn (CSF).
- Xác chết gầy, phân bết xung quanh hậu môn.
- Có nhiều nốt xuất huyết to nhỏ không đều trên da do virus phá hủy thành mạch, đặc biệt là những vùng da mỏng.
- Có trường hợp điểm xuất huyết nhỏ li ti, tập trung thành từng mảng, từng đám.
- Có trường hợp nốt xuất huyết to bằng hạt ngô, tím bầm, nằm lặn sâu trong tổ chức dưới da.

- Xuất huyết trên bề mặt phổi, điểm xuất huyết to nhỏ không đều.
- Viêm niêm mạc khí quản, phế quản, trên bề mặt niêm mạc có nhiều dịch nhớt bọt màu hồng.
- Viêm mạc miệng, lợi viêm xuất huyết, có khi có mụn loét, phủ bựa màu trắng xám hoặc vàng nhạt.
- Viêm niêm mạc dạ dày, nhất là vùng thân vị và hạ vị có những đám, mảng xuất huyết hoặc loét.
- Xuất huyết hoặc loét niêm mạc ruột, nhất là các mảng payer
- Đặc trưng nhất là loét hình cúc áo trên niêm mạc van hồi manh tràng.
- Đôi khi có nốt loét ở niêm mạc ruột già.

- Hạch lâm ba sưng, xuất huyết đặc trưng.
- Lách thường không sưng hoặc ít sưng:
- Trên bề mặt lách có các điểm xuất huyết bằng đầu đinh ghim hoặc mũi kim
- Vùng rìa lách nhồi huyết hình răng cưa, hình thành những đám tổ chức hoại tử.

- Thận sưng, trên bề mặt thân có các điểm xuất huyết bằng đầu đinh ghim hoặc mũi kim.
- Xuất huyết niêm mạc bóng đái, có trường hợp nước tiểu đỏ lẫn máu
- Túi mật căng hoặc teo lại. Niêm mạc túi mật xuất huyết
4. Phòng và điều trị bệnh dịch tả lợn (CSF).
4.1 Phòng bệnh dịch tả lợn (CSF)
- Phòng bệnh Dịch tả lợn (CSF) bằng vaccine.
- Tiêm vaccine Dịch tả lợn nhược độc cho lợn. Sử dụng vaccine để tiêm cho lợn như sau:
- Đối với lợn con, cần tiêm mũi 1 trong 30 ngày tuổi, khoảng 2 tuần sau tiêm mũi thứ 2. Nhắc lại sau 6 tháng.
- Đối với lợn nái và lợn hậu bị cần tiêm phòng bằng vaccine trước khi phối giống
- Đối với lợn đực giống cần tiêm phòng đầy đủ 6 tháng 1 lần.
- Ngoài ra cần đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thú y để tránh dịch bùng phát.
4.2 Điều trị bệnh dịch tả lợn (CSF)
- Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là sử dụng Kháng huyết thanh tuy nhiên giá thành cao, không mang lại hiệu quả kinh tế.
- Khi phát hiện ổ dịch tách riêng lợn ốm và lợn khỏe. Tiến hành phun thuốc sát trùng, tẩy uế chuồng trại.
- Bệnh Dịch tả lợn cổ điển (CSF) không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi phát hiện dịch tiêm thảng vaccine vào ổ dịch nhằm nhanh chóng dập dịch.
- Đối với những con chưa nhiễm bệnh hoặc ít virus cường độc thì sẽ tạo ra kháng thể cho con vật.
- Đối với con vật mắc virus cường độc, con vật sẽ chết. Từ đó dập tắt nguồn lây bệnh.
- Cần nhanh chóng xử lý ổ dịch:
- Đối với lợn bệnh đã chết, cần tiến hành xử lý xác chết (chôn sâu giữa 2 lớp thuốc sát trùng hoặc đốt rồi chôn).
- Khẩn trương tiêm phòng vaccine đối với những vùng có nguy cơ cao để tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi
- Bổ sung cho lợn điện giải, vitamin, trợ sức trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho con vật.
CÔNG TY DƯỢC THÚ Y ANICARE
- Địa chỉ: Số 101/171 Nguyễn Xiển, Q.Thanh Xuân, Hà Nội.
- Hotline: 038.304.6767.
- Web: https://anicare.com.vn/
- Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=-H65-jm8hBw