Bệnh truyền nhiễm là bệnh có tính chất lây lan do vi khuẩn, nấm, virus và nguyên trùng gây ra. Bệnh đậu gà có tỉ lệ mắc bệnh lên tới 95% và làm gà chết rải rác trong thời gian dài. Điều này gây tổn thất kinh tế đối với người chăn nuôi. Vậy làm thế nào để khống chế, điều trị và phòng bệnh đậu gà một cách hiệu quả? Cùng theo dõi bài viết với các nội dung chính sau đây:

Nội dung chính
1. Bệnh đậu gà là gì?
- Bệnh đậu gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Virus gây ra.
- Bệnh có đặc điểm là hình thành những mụn đậu ở vùng da không có lông như gần mắt, mép, trong cánh, chân….
- Bệnh gây tăng sinh và thoái hóa ở lớp thượng bì của biểu mô đường hô hấp như miệng, hầu, họng, thực quản.
- Bệnh đậu gà có tỷ lệ mắc bệnh từ 10- 95% và tỷ lệ chết khoảng 2-3%.
2. Đặc điểm của bệnh đậu gà:
- Bệnh đậu gà gây ra bởi virus fowlpox, là loại virus có sức đề kháng cao
- Virus đậu gà có 4 biến chủng chính : đậu gà, đậu gà tây, đậu bồ câu và đậu chim công ( canary pox virus).
- Bệnh đậu thường lây lan chậm, lây qua các vết trầy ở da do cắn mổ nhau, hoặc mầm bệnh có trong lông, da và vẩy bong tróc, … hoặc là do côn trùng đốt
- Loài mắc bệnh là tất cả các giống gà, chim đều bị mắc không có ngan, ngỗng, vịt
- Tuổi mắc bệnh tập trung chủ yếu 1- 3 tháng tuổi. Gà con mới nở có sức đề kháng cao với bệnh do miễn dịch thụ động của mẹ truyền sang
- Virus đậu có trong nốt đậu ở da và màng giả trong niêm mạc. Virus tồn tại trong máu và các phủ tạng một thời gian khá lâu.
3. Cơ chế sinh bệnh đậu gà
- Virus xâm nhập vào cơ thể do các vết thương ngoài da (gây ra bởi muỗi, rận, mạt đốt)
- Hoặc qua vết thương cơ giới ( sàn chuồng, máng ăn, dụng cụ chăn thả ) làm rách niêm mạc ở da
- Gà khỏe mạnh ăn uống, ở chung chuồng với gà bệnh rồi lây bệnh sang.

4. Triệu chứng bệnh đậu gà:
– Thể ngoài da:
- Mụn đậu mọc ở những vùng da không có lông như mào, mép, xung quanh mắt… và đôi khi ở cả chân, hậu môn, phần da bên trong cánh. Mụn ở khóe mắt làm cho gà viêm kết mạc mắt, không mở mắt được gây khó nhìn.
- Nếu mụn mọc ở khóe miệng làm gà khó lấy thức ăn.
- Mụn đậu mới xuất hiện là những nốt sần nhỏ, có màu nâu xám hay xám đỏ, sau đó to dần như hạt đậu, da sần sùi.
- Nốt đậu từ từ chuyển sang màu vàng, mềm, vỡ ra có mủ giống như kem. Mụn đậu khô đóng vẩy màu nâu sẫm, dần dần tróc đi để lại sẹo. Gà mắc ở thể này có thể vẫn ăn uống bình thường.

– Thể niêm mạc (màng giả):
- Thường xảy ra ở gà con, trong niêm mạc, hầu họng, khóe miệng, thanh quản phủ lớp màng giả màu trắng hoặc vàng, khi gạt lớp màng đi để lại các nốt loét màu đỏ ở niêm mạc.
- Gà khó thở, ăn uống kém, từ miệng chảy ra chất nhờn lẫn mủ và màng giả.
- Đôi khi gà bị cả hai thể kết hợp làm bệnh tiến triển nhanh hơn và dễ chết hơn.

5. Hướng dẫn phòng bệnh đậu ở gà
- Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho gà, bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Bổ sung thường xuyên các loại vitamin, chất khoáng, điện giải… để tăng cường sức đề kháng cho gà.
- Hằng ngày vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống… tránh gió lùa, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
- Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi (ít nhất 1 tuần/lần) để tiêu diệt mầm bệnh.
- Dùng vaccin phòng bệnh cho gà từ 7-10 ngày tuổi.

6. Cách điều trị bệnh đậu ở gà
- Bệnh đậu do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine.
- Tiêm chủng cho gà con 7 – 10 ngày tuổi bằng vaccine đậu gà.
- Dùng kim đâm qua màng cánh, sau 5 ngày cần kiểm tra lại vết chủng, nếu thấy vết chủng không cương to như hạt tấm thì phải chủng lại lần hai; Gà thịt tiêm phòng 1 lần vào lúc 7 – 15 ngày tuổi; Gà làm giống có thể tiêm phòng lại lần 2 trước khi lên đẻ.
- Cách chủng đậu: 1 lọ vaccine 1.000 liều pha với 5 ml nước cất lắc đều lấy kim may khâu lỗ to hoặc ngòi bút mực nhúng ngập vaccine rồi đâm thủng da nách cánh là được. Sau khi tiêm chủng vaccine 1 – 2 lần, gà được miễn dịch suốt đời.
- Tuy nhiên cần phòng bội nhiễm khác bằng cách cho gà uống Bcomplex, Giải độc gan thận, Vitamin ADE, và các kháng sinh phòng bội nhiễm
- Tại các vết mụn đậu thì cạy ra sát trùng bằng cồn iodine hoặc bôi xanh metylen vào vết đậu, hoặc có thể dùng phèn chua, nước quả khế chua, chanh

Xem thêm thuốc thú y Bcomplex:
Tham khảo [ Bệnh Newcastle trên gia cầm ]